Hoạt động trong Thanh niên Cao vọng Đảng và Hội khuyến học Nam Kỳ Võ Công Tồn

Là người bặt thiệp, chánh trực, lại hâm mộ thể thao, văn nghệ, thích giao du với nhiều người, ông kết thân với nhiều bạn bè, đồng chí có đạo đức, yêu nước, danh tiếng lan ra khắp Nam Kỳ. Khi chí sĩ Nguyễn An Ninh về nước và tổ chức các cuộc diễn thuyết ở Vườn Lài về đạo đức, luân lý Đông, Tây; về tư tưởng văn hóa "dân ước, dân quyền, dân đạo"; ông bắt đầu nhận thức về hành động cứu nước theo con đường cách mạng tư sản dân quyền. Năm 1923, ông gia nhập Thanh niên Cao vọng Đảng, sau này là Hội kín Nguyễn An Ninh. Ông cũng là một trong những mạnh thường quân ủng hộ tài chính cho Nguyễn An Ninh thành lập và duy trì hoạt động tờ báo La Cloche fêlée.

Với tính cách "ưa cải lẻ và ham đấu tranh", trọng công bình chính trực, ông kế thừa uy tín và sự nghiệp của cha, thường đề xuất việc mở ra trường học, bênh vực kẻ yếu và được tiếng "Dân ưa quan ghét". Ông thường được dân chúng cử tham gia chức việc trong làng, lần lượt giữ các chức Hương hào, Xã trưởng, Hương cả.

Năm 1926, ông cùng Trần Huy Liệu mở cuộc vận động đón tiếp Bùi Quang Chiêu từ Pháp về. Đồng thời, ông cũng tích cực quyên góp tiền, cổ động cho đám tang chí sĩ Phan Chu Trinh và là một trong 12 thành viên của Ban tổ chức tang lễ. Vì việc này, ông bị ghi vào sổ bìa đen của chính quyền thực dân Pháp.

Năm 1927, ông tổ chức cho một số thanh niên Gò Đen sang Pháp du học như: Nguyễn Văn Tạo, Phạm Văn Phấn (Cù Là Phấn), Nguyễn Văn Bích, Lại Thành Hưng, Võ Công Phụng (con trai ông),… Đồng thời, ông cũng cổ động, ủng hộ tài chính, tổ chức thành lập chi nhánh "Hội Khuyến học Nam Kỳ" tại Gò Đen và 3 trường học ở Long Hiệp, Long Can, Long Định. Hội có một tủ sách đầy đủ của "Tự lực văn đoàn" và những quyển sách bị chính quyền thực dân cấm lưu hành bấy giờ như của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh. Hàng tháng Hội tổ chức mời diễn giả từ Sài Gòn – Chợ Lớn đến, diễn thuyết nhiều đề tài, thu hút được nhiều lớp người trong vùng đến nghe. Mục đích của Hội là tổ chức học tập, nâng cao dân trí, tuyên truyền, thức tỉnh tinh thần quốc gia dân tộc cho quần chúng nhân dân. Cũng trong năm này, ông đem phần lớn tài sản của mình để mua một chiếc tàu của Mỹ về sửa chữa, đặt tên là "Đại phúc kinh", để làm phương tiện vượt biển cho một số thanh niên Nam Bộ sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia các lớp huấn luyện của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.

Cuối năm 1927, ông sang Pháp thăm con là Võ Công Phụng. Tại đây, ông đã có những cuộc tiếp xúc với các chí sĩ yêu nước như Nguyễn Văn Tạo, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh... Chính quyền Pháp rất lo ngại những cuộc tiếp xúc này, vì vậy, sau khi ông về nước, đã bị chính quyền thực dân Pháp tạm giam tại Sài Gòn 25 ngày, nhưng do không có chứng cứ buộc tội và được gia đình lo lót nên đã thả ông sau đó.

Trở về quê hương, tiếp nhận sản nghiệp từ cha, ông liên cho thực hiện một số cải cách đã được học hỏi ở Pháp như trả thêm lương cho công nhân, thực hiện 8 giờ lao động 1 ngày và tiếp tục ủng hộ tài chính cho các trường học. Tư gia và lò gạch của gia đình ông trở thành nơi huấn luyện cũng như cư trú của nhiều nhà cách mạng.